TẬP HUẤN NHẬN DIỆN TỘI PHẠM KHÔNG GIAN MẠNG VÀ TÌM HIỂU LUẬT AN NINH MẠNG

TẬP HUẤN NHẬN DIỆN TỘI PHẠM KHÔNG GIAN MẠNG VÀ TÌM HIỂU LUẬT AN NINH MẠNG

Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gia tăng nhanh về số vụ với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn, an ninh mạng, cảnh báo về tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao đã được tiến hành thường xuyên, song hiệu quả chưa cao, chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, chưa tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, ý thức cảnh giác của mọi người dân.
          Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, trường Cao đẳng Hàng hải II kết hợp với công an TP.Thủ Đức tổ chức Hội nghị tập huấn nhận diện tội phạm không gian mạng và tìm hiểu Luật an ninh mạng vào ngày 08/07/2024.

Đến tham gia tập huấn có thầy Nguyễn Văn Nguyễn phó hiệu trưởng nhà trường, trung tá Võ Thị Vân Anh, giảng viên, người lao động và toàn thể sinh viên của nhà trường.
Thầy Nguyễn Văn Nguyễn phát biểu trong Hội nghị tập huấn

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao trách nhiệm, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và học sinh sinh viên trong tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, tạo thành các chiến dịch tuyên truyền sâu rộng trong Nhà trường.

Toàn cảnh buổi Hội nghị tập huấn

Việc triển khai thực hiện Kế hoạch tập huấn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng phòng, khoa, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội; đồng thời, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 12 tháng 6 năm 2018 và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2019.

Trung tá Võ Thị Vân Anh báo cáo trong Hội nghị
         Các quy định của pháp luật về công tác đảm bảo An toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, như: Luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, các Nghị định: Nghị định 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng, Nghị định số 13/2023/NĐ- CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chỉ thị số 02/CT- TTg ngày 04/7/2018, Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng và nâng cao năng lực phòng chống, chống phần mềm độc hại, ...

  Những phương thức, thủ đoạn, đặc điểm nhận biết và cách phòng tránh đối với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Trong đó, tập trung tuyên truyền về: Thủ đoạn gọi điện giả danh cán bộ Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn lợi dụng lòng tham của các cá nhân thông báo trúng thưởng lớn để chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, yêu cầu chuyển tiền; thủ đoạn chiếm quyền sử dụng tài khoản (mạng xã hội Facebook, Zalo...), lập tài khoản mạo danh người khác, tuyển cộng tác viên làm việc online, thủ đoạn lợi dụng công nghệ Deepfake làm giả cuộc gọi video... để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, trọng tâm tuyên truyền theo khẩu hiệu “4 không', 2 phải...”.
          “4 không” là: Không sợ: không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân; Không tham: khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng; Không kết bạn với người lạ: khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng; Không làm: khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
          “2 phải” là:  Phải thường xuyên cảnh giác: chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...; Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ: khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan pháp luật (cơ quan Công an, chính quyền địa phương...) để được hướng dẫn xử lý.
          Tầm quan trọng của việc bảo vệ các thông tin dữ liệu cá nhân; nâng cao ý thức cảnh giác trong việc cung cấp các thông tin cá nhân cũng như việc xác thực con người trước khi thực hiện việc các giao dịch trên môi trường mạng, nhất là hoạt động chuyển tiền bằng hình thức internet banking; hậu quả, tác hại của việc: bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng, để các đối tượng xấu sử dụng tài khoản ngân hàng của mình phục vụ việc chuyển, nhận tiền, làm đầu ra cho tài sản chiếm đoạt được.

          Kết quả công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng chức năng với tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Thầy Nguyễn Văn Nguyễn tặng hoa cho đ/c Nguyễn Thị Vân Anh

Hội nghị tập huấn đã diễn thành công tốt đẹp. 

Hội nghị tập huấn nhận diện tội phạm không gian mạng và tìm hiểu luật an ninh mạng đã giúp giảng viên và người lao động trong trường Cao đẳng Hàng hải II hiểu biết hơn về Luật an ninh mạng và các qui định liên quan, có thể tránh được các sai xót, vi phạm trong môi trường không gian mạng.

Một số hình ảnh về buổi tập huấn.